Người ta nhìn vào cách chơi của Man City và cho rằng hệ thống phòng thủ vẫn chưa tương xứng với cách tấn công quá huy hoàng, cũng là vì vậy. Vì đấy vẫn chưa phải là một sản phẩm hoàn chỉnh. Một Man City hoàn hảo vẫn còn đang ở phía trước.
Tính đến hiện thời, Manchester City đã ghi 39 bàn trong 12 trận, ở mọi giải mùa này, với tổng hiệu số bàn thắng bại là +33. Không có bất kỳ đội nào trong 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu sánh được. Câu hỏi đặt ra: khi bạn chiến thắng 6-0 trong một trận đấu bất kỳ, hoặc khi nhìn lại cả một hành trình với “tổng tỷ số” 39-6, thì đấy là thắng lợi của hàng công, hay hàng thủ?
Ngưỡng mộ sức tấn công của các đội bóng do Pep Guardiola huấn luyện là cảm giác chung của giới hâm mộ trung lập. Trước tiên, chính Pep là một tín đồ trung thành của bóng đá tấn công (Pep từng nói, theo lối phóng đại: “Tắc bóng là gì? Tôi không hiểu. Tôi không biết huấn luyện cách tắc bóng”). Những người cổ súy bóng đá tấn công thường nói đại khái: đội bóng của họ sẽ thắng 4-3, hoặc nếu rủi ro thì thua 3-4, chứ không hướng đến chiến thắng 1-0. Kỳ thực, Man City đâu có thường xuyên rời sân với những tỷ số tuy có nhiều bàn nhưng lại “ngang ngửa” như thế. Có lúc, tỷ số trong 3 trận đấu liên tiếp của Man City là 5-0, 4-0, 6-0.
Khi bạn hướng đến lối chơi tấn công, bày binh bố trận để cốt làm sao ghi được nhiều bàn, thì điều đó chưa chắc có nghĩa là hàng thủ của bạn sẽ có nguy cơ thủng lưới 2-3 bàn. Đấy là điều cốt lõi. Người ta thường nói: chiến thuật bóng đá giống như một chiếc chăn nhỏ, hễ đắp dọc thì hở ngang, muốn hàng công mạnh thì hàng thủ phải yếu. Không sai. Nhưng đấy chỉ là lý thuyết!
Trên thực tế, chẳng hề có chuyện Pep muốn dồn sức cho hàng công, càng không hề là hàng thủ (dĩ nhiên). Ông muốn... cả hai. Và đấy chính là câu trả lời cho hiệu số +33 sau 12 trận đấu, đã nêu.
Tất nhiên, chẳng phải muốn gì cũng được, nhưng đấy thật sự là một tinh thần mà Pep luôn hướng đến. Man City “chỉ” thắng Napoli 2-1 vì, như Pep thừa nhận, đối phương đâu có yếu. Thắng được là quá tốt rồi! Thua sớm 2 bàn, Napoli điều chỉnh cách chơi, và tình thế có vẻ cân bằng hơn. HLV Maurizio Sarri của Napoli thuộc mẫu HLV rất giỏi đọc tình thế và điều chỉnh lối chơi. Pep thua Sarri trong lĩnh vực này.
Về việc xây dựng đội bóng mạnh đều ở mọi tuyến, thi đấu nhuần nhuyễn với lối chơi đẹp mắt, mang tính triết lý chứ không chỉ hàm chứa chiến thuật, Pep rất xuất sắc. Sở dĩ chưa nói đến từ “vô đối” là bởi Pep luôn có một lợi thế khách quan: đội bóng của ông luôn sẵn sàng chi tiền để Pep tuyển mộ các ngôi sao thích hợp với quan điểm của mình. Vấn đề là ở chỗ: cách huấn luyện như thế đòi hỏi thời gian để vi chỉnh một cách công phu, đến từng chi tiết nhỏ nhất.
Man City không thành công như mong đợi trong mùa đầu tiên do Pep huấn luyện là vì vậy. Bây giờ, người ta nhìn vào cách chơi của Man City và cho rằng hệ thống phòng thủ vẫn chưa tương xứng với cách tấn công quá huy hoàng, cũng là vì vậy. Vì đấy vẫn chưa phải là một sản phẩm hoàn chỉnh. Một Man City hoàn hảo vẫn còn đang ở phía trước.
Khác biệt giữa công và thủ là ở chỗ: người ta vẫn có thể tấn công và ghi bàn chỉ bằng tài năng cá nhân, bằng sức sáng tạo riêng của các ngôi sao - độc lập với hệ thống chiến thuật mà HLV xây dựng. Ngược lại, muốn phòng thủ tốt, dứt khoát phải có cả một hệ thống đấu pháp ăn ý, trơn tru, phải tốn công sức và thời gian chuẩn bị. Điều này, rồi cũng sẽ tới. Bởi cần nhớ: trong tay Pep là cả một dàn sao phòng ngự đắt giá nhất thế giới!